Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm vùng họng miệng và các mô bạch huyết xung quanh, đặc biệt là amidan. Đau họng là một triệu chứng chính của viêm họng, tuy nhiên các thuật ngữ “đau họng” và “viêm họng” thường được sử dụng thay thế cho nhau.
Nguyên nhân nào gây nên viêm họng?
Viêm họng do hai nhóm nguyên nhân chủ yếu: do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng.
– Nguyên nhân do nhiễm trùng: Khoảng 80% trường hợp viêm họng là do virus: virus cúm A, virus cúm B.. ngoài ra còn do các loại vi khuẩn khác nhau như tụ cầu, liên cầu…
– Nguyên nhân không do nhiễm trùng
+ Dị ứng: Dị ứng với lông thú nuôi, nấm mốc, bụi, phấn hoa…có thể gây ra đau họng.
+ Chất kích thích: Các chất kích ứng giải phóng trong không khí có thể gây đau họng như: xăng, thuốc xịt hóa chất, khí lò than chứa lưu huỳnh, khói bụi. Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu có nồng độ cao, gia vị cay cũng sẽ gây kích ứng lớp niêm mạc họng. Ngoài ra, thuốc lá và khói thuốc còn làm tăng nguy cơ ung thư cổ họng, miệng và thanh quản.
+ Nhiễm lạnh: Mùa đông lạnh, không khí khô hanh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột là điều kiện phát sinh bệnh viêm họng.
+ Một số bệnh lý gây viêm họng như: trào ngược dạ dày thực quản, khối u ung thư cổ họng, lưỡi hoặc thanh quản có thể gây ra đau họng.
Viêm họng có các triệu chứng nào ?
Viêm họng có hai dạng là viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính. Tùy theo từng loại mà có những triệu chứng khác nhau.
Viêm họng cấp là hiện tượng xung huyết phù nề niêm mạc vùng họng do virus, vi khuẩn, bệnh biểu hiện toàn thân. Triệu chứng của viêm họng cấp tính bao gồm:
– Khởi phát đột ngột.
– Cảm giác khô nóng và rát trong họng, niêm mạc họng đỏ và sưng tấy. Khi nuốt hoặc nói cảm thấy vướng, sau đó tăng lên thành đau trong họng, nuốt và nói khó, ho khạc nhưng không có đờm mà chỉ có ít dịch nhầy.
– Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt nhẹ ớn lạnh hoặc sốt cao 38 – 39oC, có thể kèm theo sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, ù tai, viêm Amidan, đau, sưng hạch ở cổ hoặc xương hàm.
– Nếu không được điều trị, viêm có thể lan toả ra các cơ quan khác như: thanh quản (khàn tiếng), phổi (viêm phổi), vùng mũi (viêm mũi xoang), tai (viêm tai), lan xuống thực quản (viêm thực quản)…
– Các triệu chứng trên có thể diễn biến 3 – 4 ngày rồi lui dần và mất đi do điều trị hoặc tự khỏi do sức để kháng của cơ thể. Nhiều trường hợp có thể dẫn tới viêm họng mạn tính.
Viêm họng mạn tính: là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới 3 hình thức chính là xuất tiết, quá phát và teo. Thể điển hình của viêm họng mạn tính là viêm họng mạn tính lan toả, viêm họng mạn tính khu trú và viêm amidan mạn tính.
Các triệu chứng của viêm họng mạn tính bao gồm:
– Cảm giác khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng, khi nuốt thấy hơi nghẹn, nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đờm thường dẻo và đặc.
– Ho nhiều vào ban đêm, khi lạnh.
-Tiếng nói bị khàn nhưng khi khạc thì tiếng trở lại bình thường.
– Khi uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng trở nên rõ rệt.
Điều trị viêm họng như thế nào?
Tùy nguyên nhân gây bệnh mà áp dụng phương pháp điều trị phù hợp
– Viêm họng do virus: chủ yếu là tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân bằng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau họng, giảm ho.
– Viêm họng do vi khuẩn: Điều trị bằng các thuốc kháng sinh. Sử dụng kháng sinh phải đúng liều, đủ thời gian ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn, hạn chế dùng kháng sinh không đúng hướng dẫn của bác sĩ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và gây khó khăn cho những lần điều trị tiếp theo. Một điều đáng lưu ý là kháng sinh chỉ dùng trường hợp nhiễm khuẩn, không dùng kháng sinh trong trường hợp viêm họng do virus.
Các thuốc giảm triệu chứng bao gồm
– Thuốc hạ sốt, giảm đau: thường dùng nhất là paracetamol dạng gói bột, hỗn dịch, viên nén, viên sủi hoặc viên đặt hậu môn.
– Thuốc giảm ho: Tùy theo ho có đờm hoặc ho khan mà sử dụng thuốc phù hợp, tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc khi ho quá nhiều và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
– Thuốc súc họng: Làm cho pH họng luôn luôn ở môi trường kiềm nhẹ, làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại đồng thời chống viêm và sát khuẩn, giảm ngứa. Chú ý không được nuốt các thuốc này. Một cách đơn giản nhất là có thể nước ấm với một chút muối để súc họng cũng làm giảm tình trạng đau họng.
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân và giảm triệu chứng, người bệnh nên uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý.
Phòng ngừa viêm họng
– Vệ sinh họng, răng, miệng hàng ngày bằng cách đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
– Tránh những nơi có bụi, khói, hơi hóa chất, thuốc lá, không khí quá khô hoặc quá nóng. Khi ra đường hoặc đến những nơi có không khí ô nhiễm nên đeo khẩu để tránh bụi và hạn chế hít phải vi sinh vật có hại trong không khí.
– Làm việc trong môi trường lạnh, khô nên uống nước ấm nhiều lần; hạn chế dùng thức ăn lạnh, nước uống lạnh hoặc có đá.
– Phòng ngủ cần thoáng mát nhưng không được có gió lùa, nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu,
– Hạn chế làm việc hoặc nằm ngủ thẳng hướng gió quạt điện thổi, hạn chế bật máy điều hòa ở nhiệt độ quá thấp.
– Điều trị các bệnh về răng, miệng, xoang, mũi…để tránh mầm bệnh tồn tại và lây lan sang vùng hầu họng.
Viêm họng tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng gây phiền phức không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày. Áp dụng những biện pháp đơn giản như: vệ sinh răng, miệng, họng, tránh khói bụi, dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí không chỉ giúp phòng ngừa viêm họng một cách hiệu quả mà còn giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://bacsinoitru.vn
http://www.dieutri.vn/taimuihong