Bệnh vảy nến là căn bệnh đỏ da có vảy mạn tính, xảy ra trên một cơ địa có tính di truyền. Xuất hiện theo cơ chế tự miễn dưới tác động của nhiều yếu tố khởi phát như stress, nhiễm trùng, chấn thương thượng bì…
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, tầng lớp, địa phương, không phụ thuộc thời tiết hay khí hậu. Theo thống kê, bệnh chiếm tỷ lệ 1- 4% dân số thế giới. Ở Việt Nam, theo tài liệu bộ môn Da liễu Đại Học Y Hà Nội thì bệnh vảy nến chiếm tỷ lệ khoảng 1.5% dân số.
Căn nguyên, bệnh sinh của bệnh vảy nến còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Nhưng đến nay hầu hết các tác giả đã thống nhất rằng, bệnh có liên quan đến các rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, có một số yếu tố và tác nhân tham gia vào quá trình khởi phát bệnh cũng như làm bệnh tiến triển nặng lên. Các yếu tố có thể kể đến là: căng thẳng thần kinh (stress), nhiễm khuẩn khu trú, chấn thương, va chạm, thời tiết, khí hậu, thuốc…
Bệnh vảy nến có nhiều thể khác nhau, hầu hết là lành tính. Các triệu chứng trên da là điển hình đối với tất cả các thể vảy nến. Với vảy nến thông thường, tổn thương cơ bản là các đám da đỏ, giới hạn rõ, nền cộm hơi gồ cao lên mặt da, bề mặt phủ nhiều vảy trắng đục hơi bóng, kích thước to nhỏ khác nhau, dễ bong.
Khi cạo thì vụn ra như bột trắng hoặc như nến vụn. Tổn thương thường xuất hiện ở da những vùng tỳ đè, dễ sang chấn (rìa trán, khuỷu tay, bờ xương trụ cẳng tay, đầu gối, mặt trước xương chày, xương cùng…) ở mặt duỗi nhiều hơn mặt gấp. Thương tổn ở đầu có nhiều vảy, tóc mọc xuyên qua.
Khoảng 25% số bệnh nhân có biểu hiện tổn thương ở móng. Hay gặp là rỗ móng, móng dày và mủn hoặc có các đường kẻ dọc theo móng, móng giòn, vụn, dày ở bờ tự do. Bệnh nhân có thể bị cả móng tay và móng chân và thường bị nhiều móng cùng một lúc.
Một triệu chứng khác cũng có thể gặp là ngứa (chiếm 20-40% số bệnh nhân). Một số bệnh nhân không thấy ngứa mà thấy khó chịu.
Bệnh vảy nến diễn biến ở thể nặng
Vảy nến là căn bệnh tồn tại suốt đời, tiến triển thất thường, có thể bỗng dưng thuyên giảm cũng hoặc đột ngột tái phát. Trong quá trình tiến triển, tổn thương có thể lan rộng ra xung quanh, để lại sẹo bạc màu, một thời gian sau bệnh tái phát trên những tổn thương cũ. Người bị bệnh vảy nến sống hoàn toàn khỏe mạnh, sức khỏe toàn thân không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên căn bệnh này lại ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.
Ngoài vảy nến thông thường còn có nhiều thể bệnh vảy nến khác nhau với các một vài đặc trưng riêng như vảy nến thể khớp thường đi kèm với đau khớp, vảy nến da đầu có các mảng da đỏ nền cộm, phủ vảy dày, lấn qua trán tạo thành “vành vảy nến”,… Các thể vảy nến nặng có các triệu chứng khá trầm trọng.
Bệnh vảy nến hiện nay chưa thể điều trị khỏi triệt để. Có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, từ kem bôi tại chỗ và thuốc mỡ tới liệu pháp sóng siêu âm, thuốc dạng uống hoặc tiêm. Việc điều trị có thể thăm dò để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với mỗi người và không phải tất cả các phương pháp điều trị đều thích hợp với tất cả mọi người. Cần nhớ rằng phần lớn bệnh nhân vảy nến có thể được kiểm soát và cải thiện triệu chứng nhờ điều trị.
Việc tự ý dùng thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh vảy nến, hãy đến ngay các bệnh viện, phòng khám da liễu để được điều trị một cách phù hợp, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://ehospital.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-vay-nen-293.html
http://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-vay-nen-n109900.html
http://www.dalieudongdieu.net/da-lieu/3/vay-nen-c108.html