Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một răng lành mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính các tổ chức xung quanh răng (mô lợi, xương ổ răng, mô nha chu nâng đỡ của răng) gọi là bệnh nha chu.
Nguyên nhân chính gây bệnh nha chu là do vi khuẩn trong các mảng bám răng. Vấn đề vệ sinh răng miệng không được quan tâm nhiều khiến những người trung niên và người cao tuổi thường mắc phải căn bệnh này.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh nha chu là một bệnh lý có diễn tiến thầm lặng. Nó không có các triệu chứng như đau hay ê buốt răng giống như sâu răng.
Cần chú ý 8 triệu chứng sau đây của bệnh nha chu:
– Chảy máu nướu khi chải răng.
– Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu.
– Vôi răng đóng ở cổ răng.
– Hơi thở hôi.
– Ấn vào nướu thấy mủ chảy ra.
– Có cảm giác không bình thường khi nhai.
– Răng lung lay.
– Răng di chuyển và thưa ra.
Các giai đoạn của bệnh
Bệnh diễn biến qua 2 giai đoạn là viêm nướu và viêm nha chu.
Viêm nướu
Đây là giai đoạn đầu của bệnh nha chu. Khi nướu bị viêm sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau:
– Nướu đổi màu so với bình thường (hoặc đỏ thẫm, hoặc tím thẫm).
– Nướu sưng lớn hơn bình thường, sưng đỏ, phù nề mất lấm tấm da cam.
– Dễ dàng chảy máu khi chải răng hoặc khi thăm khám.
– Trường hợp nặng có thể chảy máu tự phát.
– Đôi khi tự thấy hôi miệng.
Nếu kịp thời điều trị ở giai đoạn này, bệnh sẽ khỏi hẳn. Nếu không, phần lớn các trường hợp sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Tuy nhiên, giai đoạn này bệnh có tính tái phát theo thời gian, các triệu chứng khi nặng, khi nhẹ nhưng không gây ảnh hưởng đến tính mạng mà chỉ gây phiền hà trong một thời gian ngắn nên người bệnh có thể bỏ qua không điều trị một cách triệt để.
Viêm nướu/ lợi
Viêm nha chu
Viêm lợi kéo dài sẽ dẫn đến viêm nha chu. Tình trạng viêm nha chu thường biểu hiện qua các dấu hiệu như mất bám dính của lợi vào cổ răng, thành lập túi viêm mủ trong vùng mô quanh răng nha, sưng đau có tính chất tái phát lặp đi, lặp lại, chảy mủ , tiêu xương ổ răng, chấn thương thứ phát, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng.
Lúc này, dù điều trị thế nào, mô nha chu cũng không thể hồi phục như cũ vì bệnh đã phá hủy các mô nâng đỡ răng sâu bên dưới nướu như xương quanh răng, dây chằng nha chu và xê-măng bám quanh chân răng. Ở thời kỳ viêm nha chu, nguy cơ mất răng cao.
Bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh, đặc biệt là người già thường ít chú ý. Các nướu bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là bệnh tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng sẽ mất răng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.
Tác hại của bệnh nha chu
Tùy vào giai đoạn mà bệnh nha chu để lại những hậu quả khác nhau. Ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, lung lay răng, bệnh nha chu còn gây hôi miệng làm người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, bệnh còn có biến chứng như làm đau vùng thái dương.
Sự mất răng gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống, đặc biệt là đối với người già. Việc không nhai kĩ được thức ăn còn có thể khiến người già dễ mắc nghẹn hoặc dẫn đến tình trạng đau dạ dày.
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh và hậu quả để lại trên đối tượng này là rất lớn. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng trên nên đến các phòng khám nha khoa để sớm chẩn đoán bệnh và có các biện pháp điều trị thích hợp, tránh để bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn sẽ để lại những kết quả không mong muốn.
Cần đi khám ngay khi có các triệu chứng của bệnh nha chu
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://www.nhakhoahsl.com/146n/benh-nha-chu-tong-quan.html
http://koreadental.vn/benh-nha-chu/
http://tapchisuckhoe.edu.vn/benh-nha-chu-va-cach-dieu-tri-benh-nha-chu/
http://nhakhoaviethung.com.vn/kien-thuc-nha-khoa/nha-khoa-nguoi-cao-tuoi/665-nhung-benh-rang-mieng-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi.html