Tại sao có hiện tượng mất ngủ?
Ở người cao tuổi, quá trình lão hoá gây ra sự thay đổi đối với các hoạt động tự nhiên của cơ thể, đặc biệt là giấc ngủ . Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc mất ngủ ở người cao tuổi có liên quan đến hormon melatonin. Ở người cao tuổi, sự sản xuất loại hormon này giảm đi, do đó chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây mất ngủ
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi. Việc mất ngủ ở người cao tuổi thường là gây ra bởi nhiều nguyên nhân chứ rất ít khi là kết quả của 1 nguyên nhân đơn lẻ.
Mất ngủ do sự suy giảm chức năng sinh lý
Lão hóa là một quá trình tự nhiên, dẫn đến sự suy giảm chức năng của tất cả các cơ quan nhất là hệ thần kinh trung ương. Tuổi càng cao, số lượng tế bào thần kinh giảm càng nhiều, khối lượng não và lượng máu qua não cũng giảm đáng kể. Sự suy giảm chức năng hệ thần kinh ở người cao tuổi không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ rõ rệt.
Mất ngủ do bệnh tật
– Bệnh xương khớp: Các bệnh về xương khớp hay gặp ở người cao tuổi như thoái hóa khớp, bệnh gout, viêm khớp, loãng xương… Những bệnh này gây nên cơn đau tăng lên vào nửa đêm và gần sáng làm cho bệnh nhân dễ bị tỉnh giấc, khó ngủ tiếp hoặc làm cho giấc ngủ không sâu.
– Bệnh về tim mạch: Hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim làm cho người cao tuổi hay bị đau tức ngực, khó chịu và nhiều khi lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
– Bệnh về đường hô hấp: Người cao tổi hay gặp một số bệnh về đường hô hấp nhất là bệnh giãn phế quản, hen phế quản… gây ho nhiều, khó thở. Các bệnh này thường xuất hiện nặng về ban đêm, nhất là lúc thay đổi thời tiết, khi có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc làm cho bệnh nhân khó ngủ, giấc ngủ ngắn và hay bị tỉnh giấc do cơn ho hoặc khó thở.
– Các bệnh về đường tiêu hóa: Bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ nhất là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính. Nhiều người bị mất ngủ do những cơn đau từ vết loét dạ dày, đại tràng.
– Các bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường : Đây cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi mất ngủ. Những bệnh này làm người bệnh cao tuổi thường hay đi tiểu đêm gây tỉnh giấc, giấc ngủ ngắn và không sâu.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
– Mất ngủ do rối loạn về thần kinh: Bệnh trầm cảm là một trong những rối loạn thần kinh ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ ở người cao tuổi. Các bệnh nhân trầm cảm thường khó bắt đầu giấc ngủ hoặc hay bị thức giấc sớm và có hiện tượng ngủ ngày, một số khác lại có lúc bị kích động nên rất khó ngủ. Ước tính có tới 30% người cao tuổi trong cộng đồng và 50% người cao tuổi trong các viện dưỡng lão có triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra, các rối loạn tâm thần khác có khả năng gây mất ngủ là lo âu, sa sút trí tuệ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, một tình trạng hay gặp là người cao tuổi thường phải đối mặt với tình trạng cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Nhiều người cao tuổi có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề về kinh tế, tài sản, sự mất mát người thân, con cái hư hỏng… Đó cũng chính những nguyên nhân gây ra các tình trạng bệnh lý như là lo âu và trầm cảm, là điều kiện gây nên mất ngủ ở độ tuổi này.
– Mất ngủ do ảnh hưởng xấu của môi trường đang sinh sống
Môi trường sống có tác dụng rất lớn đến đời sống con người. Môi trường trong sạch, không bụi bặm, ít tiếng ồn góp phần đáng kể giấc ngủ của người cao tuổi, giúp cho người cao tuổi sống khỏe mạnh, vui vẻ. Môi trường sống của xã hội hiện đại làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ người cao tuổi như: nhà chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh…
– Mất ngủ do chế độ sinh hoạt
Người cao tuổi nếu ăn uống điều độ thì ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe tốt còn có tác dụng rất hữu ích trong giấc ngủ làm cho giấc ngủ ngon, giúp tinh thần sảng khoái, lạc quan. Nếu ăn uống quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu; cà phê thì người cao tuổi sẽ khó ngủ, giấc ngủ không sâu.
Đối với những người làm việc vào ban đêm thường bị rối loạn giấc ngủ, bởi giấc ngủ của họ sẽ bị trái với đồng hồ sinh học, gây hiện tượng khó ngủ, giấc ngủ chập chờn.
Tình trạng mất ngủ cũng có thể xảy ra ở những người cao tuổi ít vận động thể lực, không tập thể dục hay chơi thể thao. Đặc biệt, hiện tượng mất ngủ hay gặp ở những người nhàn rỗi, người lao động trí óc nhiều không chú ý đến rèn luyện thân thể.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ
– Di truyền: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy có yếu tố di truyền trong việc mất kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo.
– Thuốc: Người cao tuổi với thường mắc nhiều bệnh tật cùng một lúc và sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Nhiều loại thuốc có thể gây trở ngại cho giấc ngủ, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp.
Giống như phần lớn các bệnh ở người cao tuổi, mất ngủ là một rối loạn thường gặp do rất nhiều nguyên nhân. Ðể tìm lại được giấc ngủ ngon cần tìm hiểu và điều trị các nguyên nhân trực tiếp gây mất ngủ (nếu có thể được), trong đó các biện pháp nhằm tạo cho người cao tuổi một môi trường sống cũng như môi trường dễ chịu và phù hợp cho giấc ngủ cũng đóng vai trò rất quan trọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
http://www.webmd.com/sleep-disorders/sleep-disorders-causes
http://ykhoa.net/yhocphothong/laokhoa/11_0014.htm