Chuyện không của riêng ai
Chuyển về ở cùng gia đình con trai đã 3 năm nhưng bà Hương (70 tuổi) vẫn chưa thực sự thấy thoải mái. Bà kể, về nhà con giai trưởng ở thật nhưng chẳng khác gì đi ở nhờ. Thấy mớ rau để trên bếp, bà lấy ra nhặt, con dâu bà vội bảo: “Mẹ cứ để đấy, chút con làm loáng cái là xong”. Thấy mấy cái bát bẩn, bà chưa kịp vặn vòi nước, con giai đã chạy đến: “Mẹ cứ xem tivi đi. Huyền (cháu nội 14 tuổi của bà Hương) ra rửa bát đi con”. Ra chợ, thấy nải chuối, quả ổi ngon, mua về thì con cháu chẳng đứa nào đụng vào. Mình ăn mãi không hết, đến lúc hỏng, con dâu lại bảo: “Thôi mẹ thích ăn gì để con mua. Mẹ cũng đừng mua cho chúng con vì để hỏng thế này là phải tội ạ”.
Người già khi sống chung với con cái nếu không được hiểu và đồng cảm dễ sinh tâm lý tự ti, mặc cảm
“Làm gì vợ chồng nó cũng không cho, lúc nào cũng bảo mẹ để đấy con làm. Mình khoẻ mạnh thế này mà không được làm gì, hoá ra tôi là người thừa”, bà tâm sự. Nhưng điều bà phiền muộn hơn cả là con cháu cứ đi cả ngày, về lại chui vào phòng riêng, không đứa nào trò chuyện với bà.Nhiều lần, bà Hương đã xin các con cho ở riêng nhưng nhất định các con không chịu. Bà bảo: “Chúng nại lý do tôi già yếu, ra ở riêng thì chúng không yên tâm. Nhưng tôi ở cùng kiểu này thì còn khổ hơn ở một mình”.
Đem chuyện tâm sự với bà bạn thân, bà Hương được khuyên thích làm gì cứ làm, kệ các con các cháu. Rồi chúng nó sẽ hiểu mình. Vậy là bà Hương chủ động tham gia việc nhà, trước giờ con dâu đi làm về, bà đã sơ chế thức ăn trong tủ lạnh; bát đũa bà tranh thủ rửa lúc con cháu bận bịu, không có thời gian rửa ngay. Bà đi chợ, mua thêm đồ ăn thức uống mình thích cho mâm cơm thêm đa dạng. Thấy con cháu về phòng riêng, bà gọi xuống xem tivi với bà.
Vậy nhưng không khí gia đình càng như nặng nề hơn. Cả nhà ngồi xem vô tuyến cùng nhau nhưng chẳng ai nói với ai một câu vì mỗi người cầm một chiếc điện thoại. Con dâu tỏ thái độ không vui khi bà nấu món này mà không phải món nó đã dặn. Bà thì tủi thân vì bát đũa bà rửa xong thì đứa cháu lớn mang ngay ra rửa lại, đứa bé thì chê đồ bà mua “không ngon”.
"Thủ phạm" gây ra mâu thuẫn gia đình
Theo một chuyên gia tâm lý ở Viện Tâm lý quốc gia, những khác biệt trong suy nghĩ chính là “thủ phạm” gây ra mâu thuẫn trong các gia đình tam đại đồng đường này.
Đối với người cao tuổi, các nghĩa vụ trực tiếp (vai trò làm cha, mẹ) đã kết thúc nhưng phần lớn cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ con cháu trong những điều kiện cho phép. Như một nghiên cứu của Bengston (1985) chỉ ra, một trong 4 vai trò tượng trưng quan trọng của người cao tuổi trong gia đình chính là sự giúp đỡ. Trong khi đó, con cháu thường nghĩ rằng người cao tuổi chỉ nên nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ. Chính vì không hiểu, không chia sẻ với nhau nên sinh ra nhiều rắc rối, hiểu lầm.
Cụ thể, ở trường hợp gia đình anh Mạnh, chuyên gia khuyên: các con cần chia sẻ những suy nghĩ của mình với bà Hương và lắng nghe tâm tư của mẹ để có những điều chỉnh, sao cho mỗi người trong gia đình đều được đóng góp, được chia sẻ, được tôn trọng. Ví như người lớn cần hướng dẫn trẻ cách chia sẻ, giúp đỡ ông bà khi nấu ăn. Bà có kinh nghiệm chỉ dạy cháu còn cháu tinh mắt giúp bà nhặt rau, rửa bát thêm sạch…. Hay như trong mua sắm đồ ăn thức uống, vợ chồng anh Mạnh nên chủ động hỏi mẹ thích ăn gì hay nhờ mẹ mua món này, món kia với số lượng cụ thể để mẹ hiểu được sở thích, mong muốn của các con.
Thêm nữa, người cao tuổi không chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi mà vẫn luôn có khát vọng được giao tiếp, nếu cứ nhàn rỗi, cả ngày rầu rĩ trong 4 bức tường sẽ sinh khủng hoảng tâm lý. Vậy nên nếu con cái cứ đi sớm về muộn, bận rộn tới mức không có thời gian trò chuyện, người cao tuổi một mình ở nhà sẽ sinh ra tâm lý cô đơn, thậm chí có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Cần quan tâm hơn đến vấn đề tâm lý cho người cao tuổi
Chuyên gia tâm lý Lệ Thu cho rằng, con cháu cần quan tâm tới đời sống vật chất của người cao tuổi nhưng cũng không được coi nhẹ vấn đề tâm lý. Mỗi ngày cố gắng cùng luận bàn về những thay đổi xã hội, về những vấn đề người cao tuổi quan tâm để có cách nhìn và thoả mãn cao nhất những mong muốn tâm lý bức xúc của cha mẹ.
Ngoài ra, thời nay có rất nhiều cách để người già có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đơn giản nhất là sắm cho người cao tuổi một chiếc ipad. Những facebook, viber, line… sẽ giúp người cao tuổi kết nối với họ hàng, bạn bè ngay cả khi họ chỉ ở nhà. Tặng người cao tuổi những tấm thẻ tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, yoga… cũng là một cách hay.
Tập cách sử dụng Smartphone cũng giúp người cao tuổi có thêm một thú vui mới cho cuộc sống bớt tẻ nhạt
Cùng với đó, người cao tuổi cũng cần chủ động tìm niềm vui cho bản thân thông qua các hoạt động kết bạn, tham gia các hoạt động ở nơi mình sinh sống… để chủ động sống vui vẻ. Cách làm đúng đắn nhất là tiếp tục tiếp xúc nhiều với xã hội, với nhiều người ở mọi lứa tuổi khác nhau nhất là với thanh niên, hấp thu sức sống thanh xuân từ họ để tâm hồn mình giữ được sự trẻ trung. Ngoài ra, còn phải tập thể dục thể thao, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, để cả thể xác và tinh thần mình giữ được khoẻ mạnh.
Hồng Nhung