Logo

Những lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi nằm tại giường

Dưới đây là một số công việc cần lưu ý thực hiện thường xuyên để chăm sóc người cao tuổi phải nằm lâu tại giường:

Chăm sóc người cao tuổi trên giường bệnh

Chăm sóc người cao tuổi trên giường bệnh

Vệ sinh cá nhân

– Đánh răng: Ở bệnh nhân nằm lâu, tuyến nước bọt hoạt động kém, việc nuốt nước bọt hạn chế làm ứ đọng đờm dãi là nguy cơ gây viêm nhiễm, nấm miệng. Cần vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân sau mỗi bữa ăn, đặc biệt là những người đang dùng răng giả.

– Rửa mặt: Lau mặt thường xuyên giúp làm sạch bụi bẩn, chất nhờn, khiến bệnh nhân thoải mái, dễ chịu. Nên sử dụng nước ấm và lau rửa nhẹ nhàng, chú ý phần cổ và gáy có những nếp gấp da.

– Gội đầu:Gội đầu giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, hạn chế nấm đầu, rụng tóc, đồng thời lích thích lưu thông máu ở đầu. Nên mua chậu gội đầu chuyên dụng để thuận tiện hơn khi gội đầu cho bệnh nhân. Chú ý không gội đầu khi bệnh nhân đang sốt cao, tình trạng bệnh nặng.

– Tắm:Tắm giúp làm sạch cơ thể, kích thích các tuyến hoạt động làm giảm viêm da, chống nhiễm trùng. Có thể di chuyển bệnh nhân vào phòng tắm hoặc tiến hành tắm tại giường. Nơi tắm cho bệnh nhân phải kín gió.

– Vệ sinh khác: Dù là nằm tại giường, bệnh nhân cũng cần được chăm sóc về ngoại hình. Thường xuyên cắt tóc, cắt móng tay, cạo râu… để giúp bệnh nhân dễ chịu và tự tin hơn.

Phòng chống và điều trị loét do tì đè

Loét do tì đè là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất ở những người già phải nằm tại giường lâu ngày. Nguyên nhân là do sự đè ép liên tục làm tổn thương các mô, lúc đó hệ thống collagen mao mạch và mạch bạch huyết sẽ làm bít tắc dòng máu và dịch kẽ, gây thiếu máu, đau, hoại tử và tạo mảng mục của mô bị hoại tử.

Thường xuyên thay đổi tư thế để hạn chế tình trạng loét 

Thường xuyên thay đổi tư thế để hạn chế tình trạng loét

Để hạn chế tình trạng loét do tì đè cần chú ý một số việc sau:

– Thường xuyên thay đổi tư thế cho người bệnh: 2 – 3 giờ/lần, dùng các loại gối chêm, kê lưng và các chi sao cho người bệnh được nằm ở tư thế thoải mái nhất.

– Cho người bệnh nằm nệm nước.

– Giữ gìn da khô, sạch sẽ nhất là những vùng dễ bị loét ép, vùng cơ quan sinh dục – chậu mông phải đảm bảo sạch sẽ, khô thoáng sau mỗi lần người bệnh đi vệ sinh.

– Thường xuyên xoa bóp những vùng dễ bị loét ép, đồng thời sử dụng dung dịch hỗ trợ thoa lên da những vùng đó có tác dụng làm tăng sự đàn hồi, hạn chế sự thấm của các chất tiết thấm ngược trở lại qua da hoặc dùng bột talc để da khô ráo, tránh bị dính.

– Khi người bệnh có dấu hiệu của loét ép: tránh để vùng đó tiếp xúc với các vật xung quanh, phải giữ sự toàn vẹn của da nơi nhằm tránh bội nhiễm, nếu cần thiết thì liên hệ bác sỹ để được dùng thêm thuốc điều trị.

Giữ vệ sinh giường chiếu

Giữ vệ sinh phòng ở là cần thiết để phòng tránh các bệnh tật cho bệnh nhân. Chỗ nằm cần thoáng gió, khô ráo và sạch sẽ. Cần thường xuyên giặt giũ chăn màn cho bệnh nhân.

Chú ý đến tâm lý

Người cao tuổi thường hay suy nghĩ nghiêm trọng về bệnh tật. Cơ thể mệt mỏi cộng với việc phải nằm tại giường suốt thời gian dài dễ sinh cảm giác chán nản. Vì thế ngoài việc chăm sóc cơ thể cho các cụ thì cũng cần thường xuyên nói chuyện, hỏi han chia sẻ để các cụ cảm thấy vui vẻ, giảm cảm giác cô đơn buồn bã. Đọc sách báo, xem ti vi, nghe đài… cũng là những việc nên khuyến khích các cụ làm để cải thiện tinh thần.

Cuối cùng, với những người cao tuổi phải nằm tại giường lâu ngày, nếu có những biểu hiện bất thường về cơ thể hay tâm lý thì cũng cần báo cho bác sỹ biết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Mai Nương (tổng hợp)

Nếu hay cho 5 sao post

Bài liên quan

Bài viết mới