Ngủ
– Người cao tuổi thường khó ngủ và ngủ không sâu giấc. Do đó nên thiết lập giờ đi ngủ và thức dậy đều đặn hàng ngày. Phòng ngủ cần yên tĩnh, tránh ánh sáng và tiếng ồn. Nhiệt độ trong phòng cũng không được nóng hoặc lạnh quá sẽ ảnh hưởng giấc ngủ. Tư thế thoải mái cũng góp phần làm cho giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn.
– Thức giấc cũng là vấn đề cần lưu ý với người cao tuổi. Với những người bị bệnh xương khớp, ngủ dậy là thời gian các khớp chưa quen hoạt động, thường cảm thấy đau. Do đó, trước khi xuống giường nên vận động nhẹ, masage nhẹ nhàng các khớp. Nếu khi ngủ dậy mà thấy các triệu chứng bất thường như tê nửa người, bại một bên chân hay tay thì cần nằm nghỉ và mời bác sỹ đến khám. Không nên cố gắng vận động vì có thể đây là dấu hiệu của tai biến mạch máu não, nhất là với người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…
Người cao tuổi thường khó ngủ và ngủ không sâu giấc
Ăn uống
– Người cao tuổi nên giảm lượng tinh bột, đạm, chất béo, tăng cường ăn rau và chất xơ để tăng cường hệ tiêu hóa.
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên ăn những món ăn đã được nấu chín, tránh ăn các món cứng, nhiều xương vì dễ bị hóc, nghẹn.
– Trung tâm báo khát người cao tuổi kém nên chú ý uống đủ nước để tránh tình trạng táo bón, giúp giải độc và thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên nên uống nhiều vào buổi sáng và trưa và giảm dần về chiều và tối.
Đi lại
– Người cao tuổi cần phải thường xuyên vận động và vận động vừa sức Nếu vẫn còn mạnh khỏe thì có thể đi bộ thể dục, còn lại thì vẫn nên cố gắng tự sinh hoạt cá nhân.
– Đồ đạc trong nhà cần được sắp xếp sao cho không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của những người già. Không để đồ đạc, bố trí ổ điện,…quá cao khỏi tầm với. Sàn nhà cũng cần phải lau khô để tránh trượt ngã.
– Nếu cần thiết thì nên sử dụng gậy hỗ trợ đi lại. Gậy cần phải có độ dài phù hợp. Và người già cũng cần biết cách phối hợp gậy sao cho thuận lợi nhất cho đi lại.
– Nếu khi lên cầu thang hoặc vận động mà thấy tức ngực, khó thở, đau nhói ở ngực trái thì nên đi khám bệnh.
Người cao tuổi cần thường xuyên vận động
Hoạt động trí óc
– Người già cũng cần phải hoạt động trí óc để ngăn chặn quá trình lão hóa.
– Khuyến khích người già đọc sách báo, xem phim, chơi game để kích thích não hoạt động. Nếu ở cùng với con cháu thì có thể chơi các trò chơi với cháu nhỏ.
– Người già có thể làm một số công việc trí óc như cắt tỉa cây cảnh, sắp xếp đồ đạc hợp lý hay trang trí nhà cửa cùng với con cháu…
– Tuy nhiên, không nên để đầu óc làm việc căng thẳng dẫn đến stress vì ở người già khả năng chịu đựng giảm sút. Người già hay lo lắng quá mức về các việc xung quanh cũng là nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh tật.
Đại tiểu tiện
– Nếu hệ tiết niệu bình thường thì người cao tuổi đi tiểu dễ dàng, không buốt, không rắt, không sót lại; tia nước tiểu thẳng, không bị ngắt quãng.
– Tiểu đêm là một triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi. Tiểu đêm thường do mất ngủ, do ăn uống nhiều nước muộn hoặc có thể do một vài bệnh như viêm đường tiết niệu, bệnh tuyến tiền liệt…
– Nếu đi đại tiện nhiều hơn 3 lần 1 ngày, phân lỏng… cần kiêng cá, mỡ, sữa…và nên theo dõi kĩ nếu tình trạng xảy ra trong thời gian dài. Nếu lớn hơn 3 ngày mới đi đại tiện 1 lần, phân rắn, đau thì gọi là táo bón, cần phải ăn thêm rau, chất xơ, uống nhiều nước và tăng cường vận động, xoa bụng.
– Nếu thấy phân hay nước tiểu bất thường về màu, hình dạng, có lẫn máu… thì cần đi khám ngay.
– Khi đại tiểu tiện nên vịn vào một chỗ nào đó. Nên đứng dậy từ từ để tránh chóng mặt do giảm áp lực trong ổ bụng, lượng máu lên não giảm. Người cao tuổi hay bị tai biến khi dậy đi tiểu vào ban đêm. Do đó nếu đang nằm chăn ấm thì nên ngồi dậy từ từ để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài trước khi dậy. Tốt nhất là thiết kế nhà vệ sinh gần với phòng ngủ của người già hoặc có thể mang bô vào gần giường vào ban đêm.
Sinh hoạt của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn hơn lúc trẻ nên cần có sự chú ý và chăm sóc để đảm bảo chất lựng cuộc sống và tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bệnh học lão khoa – Từ đại cương đến thực hành lâm sàng – GS.Phạm Khuê.
http://ykhoa.net/yhocphothong/laokhoa/11_0029.htm