Ba yếu tố quyết định đến việc hình thành vết loét mà chúng ta cần lưu ý
– Sức khỏe tốt nhờ chế độ chăm sóc chu đáo và dinh dưỡng đầy đủ.
– Vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nhiễm khuẩn.
– Giảm áp lực thường xuyên lên một vùng da cố định.
Kiểm soát được những yếu tố trên sẽ hạn chế được việc hình thành vết loét. Muốn vậy, người chăm sóc cần làm được những việc sau:
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân
– Cung cấp đủ dinh dưỡng giúp cơ thể người bệnh mạnh khỏe, tăng cường sức đề kháng, tăng lượng máu đến nuôi các bộ phận của cơ thể và tăng khả năng tái tạo, phục hồi vùng da bị tổn thương.
– Chế độ ăn của người cao tuổi nên được tính toán hợp lí sao cho bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể, dễ hấp thu. Chế độ ăn của bệnh nhân cũng phải đảm bảo sao cho giữ được trọng lượng cơ thể ở mức thông thường. Bệnh nhân thừa cân sẽ có nguy cơ bị loét cao hơn.
– Bệnh nhân cần uống nhiều nước, nên uống từ 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
– Vết loét do tỳ đè ban đầu là vết loét vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với không khí và vi khuẩn sẽ trở thành nhiễm khuẩn. Đây chính là yếu tố làm vết loét lâu lành và càng ngày càng lan rộng. Do đó việc chăm sóc giữ vệ sinh cho bệnh nhân là cực kì quan trọng để chống loét.
– Giữ gìn da sạch sẽ và khô thoáng. Đặc biết đối với loại da ẩm, tiết nhiều mồ hôi, có thể cần phải thường xuyên lau người cho bệnh nhân bằng khăn khô, mềm.
– Thường xuyên làm vệ sinh, tắm rửa cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân không tự chủ trong đại tiểu tiện thì cần vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đại tiểu tiện. Dùng nước ấm và xà phòng để rửa da, chú ý tránh sử dụng nước quá nóng.
– Thay quần áo hàng ngày và giặt chăn gối thường xuyên.
– Giữ vệ sinh cho phòng ngủ của bệnh nhân, tránh ẩm thấp vì đây là yếu tố thuận lợi để hình thành vết loét.
– Kiểm tra các bề mặt đỡ và các trang thiết bị hỗ trợ thường xuyên xem chúng có bị sờn rách hay không. Vì những vết rách có thể cọ xát làm tổn thương da.
Giảm áp lực lên các vùng da
– Vết loét xuất hiện khi vùng da phải chịu áp lực lớn trong một thời gian dài làm các mạch máu không dẫn máu đến nuôi phần tế bào này, lâu ngày sẽ dẫn đến hoại tử. Vùng da thường xuyên xuất hiện hoại tử nhất là vùng xương cụt, mông, hai bên hông, vai, gót chân, đầu gối…
– Hạn chế tác động của trọng lực bằng cách thay đổi tư thế cho bệnh nhân 30 phút đến 1 tiếng, ít nhất 2 giờ một lần để giảm áp lực tỳ đè lên da.
– Kiểm tra da ít nhất một lần mỗi ngày chú ý đặc biệt tới những vùng da nhạy cảm.
– Cố gắng tránh áp lực trực tiếp lên những vị trí da nhạy cảm như những vùng da có xương nhô ra.
– Sử dụng đệm lót và vật dụng bảo vệ ví dụ như gối có thể giúp làm giảm áp lực, sử dụng đệm hơi hoặc các tấm đệm chống loét.
Khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu của vết loét, cần phát hiện kịp thời để có thể xử lí hiệu quả nhất, tránh tình trạng loét tiến triển sẽ khó khăn trong việc điều trị và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Chăm sóc người cao tuổi bị liệt nằm lâu là công việc vất vả và đòi hỏi sự kiên trì. Do đó, họ không chỉ cần kiến thức và kĩ năng mà còn cần cả tình cảm và tình yêu thương đối với người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://nacurgo.com/vi/loet-da-do-liet-nam-lau.nd/cham-soc-va-phong-ngua-loet-da-do-ty-de-o-benh-nhan-liet-nam-lau.html