Tại sao chúng ta phải làm xét nghiệm công thức máu?
Xét nghiệm công thức máu
Công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp cho người thầy thuốc những thông tin hữu ích để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn, giúp bác sỹ tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc theo dõi sự cải thiện sức khỏe khi điều trị bệnh. Tuy nhiên chỉ mình công thức máu thì không thể đưa ra một chẩn đoán xác định về nguyên nhân gây bệnh mà nó chỉ mang tính chất định hướng, gợi ý.
Quá trình xét nghiệm công thức máu diễn ra thế nào?
Nếu mẫu máu của bạn chỉ xét nghiệm công thức máu toàn bộ, có thể ăn uống bình thường trước khi thử nghiệm. Nếu mẫu máu được sử dụng cho các xét nghiệm khác như sinh hóa hoặc miễn dịch, bạn cần nhịn ăn một thời gian nhất định trước khi thử nghiệm (thường là trên 8 giờ). Trong trường hợp đó, bác sỹ sẽ dặn dò bạn cẩn thận.
Khi xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ lấy khoảng 2ml máu từ tĩnh mạch cánh tay, thường là ở nếp gấp khuỷu tay. Sau đó, mẫu máu được chống đông và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Ngày nay, nhờ các máy đếm tự động, việc xác định công thức máu đã trở nên đơn giản hơn nhiều. Bạn có thể hoạt động hoàn toàn bình thường sau khi lấy máu.
Có ba dòng tế bào trong máu
Tế bào hồng cầu
Hồng cầu có chức năng chính là hô hấp, nó đưa oxy từ phổi đến các mô giúp thực hiện quá trình trao đổi chất của các các mô trong cơ thể. Tế bào hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt, nhờ đặc điểm này mà hồng cầu có khả năng biến dạng rất cao mà không bị vỡ, rách khi di chuyển qua các mao mạch chật hẹp.
Lượng hồng cầu trong cơ thể cần được giữ ở mức thích hợp, không nên quá ít nhằm đảm bảo chức năng cung cấp ôxy cho cơ thể, nhưng cũng không quá nhiều sẽ làm cản trở tuần hoàn của máu.
Tế bào bạch cầu
Bạch cầu là các tế bào miễn dịch của cơ thể. Chúng giúp cho cơ thể chống lại các yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể.Toàn bộ quá trình sinh sản và biệt hoá các loại bạch cầu hạt và bạch cầu mono diễn ra trong tuỷ xương. Chúng được dự trữ sẵn ở tuỷ xương, khi nào cơ thể cần đến thì chúng sẽ được đưa vào máu lưu thông.
Dựa vào hình dáng, cấu trúc và cách bắt màu phẩm nhuộm, người ta chia bạch cầu ra làm hai nhóm chính là bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt.
Chức năng chung của bạch cầu là chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Hoạt động bảo vệ của bạch cầu được thực hiện theo các bước:
– Xuyên mạch: tự biến đổi hình dạng để chui qua các tế bào nội mô mạch máu vào tổ chức xung quanh.
– Vận động: theo kiểu a-míp (bằng chân giả) để đến các tổ chức cần nó.
– Hoá ứng động: bạch cầu bị hấp dẫn đến vị trí tổn thương tạo phức hợp miễn dịch.
– Thực bào: bắt các vật lạ đưa vào trong bào tương rồi tiêu hoá chúng.
Tuy nhiên không phải bạch cầu nào cũng thực hiện đủ các bước trên.
Tế bào tiểu cầu
Tế bào tiểu cầu
Tiểu cầu thực chất là một mảnh tế bào vỡ ra từ các tế bào nhân khổng lồ được sản sinh từ tủy xương.
Lách là nơi bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu cũng như các tế bào máu khác trong cơ thể. Những phát triển bất thường của lá lách như lách to có thể làm tăng quá trình bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu, gây giảm số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi. Chỉ có 2/3 số lượng tiểu cầu phóng thích ra từ tủy xương di chuyển trong máu, 1/3 lượng còn lại được bắt giữ trong lá lách.
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu và đông máu. Khi xuất hiện vết thương, chúng sẽ tập trung tại đó, hình thành nút tiểu cầu để bịt kín vết thương lại, giúp máu ngừng chảy.
Mỗi loại tế bào máu có vai trò quan trọng khác nhau trong cơ thể. Vì vậy, khi có sự thay đổi các tế bào này dẫn đến các bệnh lý khác nhau. Hoặc một số bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ở chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách bệnh học- Trường đại học dược Hà Nội.
Sách giải phẫu sinh lý – Trường đại học dược Hà Nội.