Ở người cao tuổi, những thay đổi về chức năng của các cơ quan như gan, thận, dạ dày,… làm ảnh hưởng đến hấp thu, chuyển hóa, thải trừ thuốc. Người già tay chân yếu, mắt kém, trí nhớ giảm sút.. có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách. Do đó dùng thuốc ở người già có nguy cơ không đạt hiệu quả và gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn những đối tượng khác.
Sử dụng thuốc hợp lý đối với người cao tuổi để tránh tiền mất tật mang
Dưới đây là 8 nguyên tắc cơ bản cần biết khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi
1. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, sử dụng các biện pháp không dùng thuốc trước
- Ở người cao tuổi, phương pháp tốt nhất là có thể áp dụng một cách nào đó để có hiệu quả tốt mà không phải dùng thuốc. Đặc biệt với một số bệnh mãn tính như xương khớp, đái tháo đường, tim mạch… thì việc duy trì một chế độ sinh hoạt và tập thể dục đều đặn có thể hỗ trợ tình trạng bệnh và hạn chế tối đa việc dùng thuốc.
- Tránh lạm dụng thuốc trên người cao tuổi, đặc biệt là các thuốc được cho là “thuốc bổ”. Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao. Khi dùng thuốc thì bắt đầu với liều thấp nhất, sau đó tăng liều dần dần.
2. Quan tâm đảm bảo chất lượng cuộc sống
Đối với người cao tuổi, việc đảm bảo chất lượng cuộc sống là rất cần thiết. Ngoài tác dụng đối với bệnh tật, thì cần xem xét xem liệu việc dùng thuốc có ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và cuộc sống của bệnh nhân hay không.
3. Quan tâm tới tiền sử dùng thuốc
Tiền sử dùng thuốc, những loại thuốc dị ứng… là những vấn đề cần được quan tâm trước khi quyết định cho người cao tuổi sử dụng thuốc. Do vậy, người cao tuổi cần có một cuốn số chăm sóc sức khỏe để bác sỹ hoặc người nhà ghi chép các vấn đề liên quan đến bệnh tật và dùng thuốc. Đơn thuốc đã sử dụng của những lần trước nên được lưu lại để theo dõi.
4. Cân nhắc các tình trạng sinh lý và bệnh lý mắc kèm ảnh hưởng đến sử dụng thuốc
Người cao tuổi thường không đơn giản chỉ mắc một bệnh. Do vậy khi dùng thuốc cho bệnh nhân cần hỏi kỹ về những bệnh lý mắc kèm để có thể cho thuốc phù hợp.
5. Chọn dạng bào chế thích hợp, đóng gói và nhãn mác rõ ràng
Độ tinh tường của người cao tuổi bị giảm sút nên cần chọn những thuốc có nhãn mác rõ ràng, chữ viết to, dễ đọc. Cũng không nên cho người cao tuổi sử dụng những loại thuốc khó lấy ra hoặc là phải pha chế một thể tích chính xác. Ngoài ra, dạng bào chế cũng là một vấn đề cần lưu ý. Ưu tiên sử dụng thuốc viên nhỏ hay thuốc nước hạn chế uống thuốc viên to vì khó nuốt đối với người cao tuổi.
6. Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ về hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn
Vì những thay đổi trên cơ thể người cao tuổi là không dự đoán được, nên tác dụng của thuốc càng cần phải theo dõi chặt chẽ. Thường xuyên kiểm tra định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường để có những thay đổi kịp thời cho bệnh nhân. Với những thuốc phải dùng thời gian dài, nên có thời gian nghỉ thuốc để tránh tích lũy.
Tuân thủ đúng điều trị,hướng dẫn sử dụng thuốc
7. Lưu ý vấn đề tuân thủ điều trị
Đây chính là vấn đề đáng lo ngại nhất khi dùng thuốc cho người cao tuổi. Người già hay quên nên tốt nhất là người thân trong gia đình nên giúp đỡ việc dùng thuốc. Điều này không những giúp cho người già dùng thuốc đúng hơn mà còn là yếu tố tinh thần giúp các cụ vui vẻ, giảm bệnh tật.
8. Không tự ý dùng thuốc cho người cao tuổi
Không tự ý dùng thuốc cho người cao tuổi là nguyên tắc rất quan trọng. Nếu cần thiết phải dùng thuốc thì cần đến gặp bác sỹ để được tư vấn, kê đơn, không được tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc dùng đơn của người khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Dược lâm sàng – Bộ y tế.
Bệnh học lão khoa-Từ đại cương tới thực hành lâm sàng – Giáo sư Phạm Khuê
http://thuocthang.vn/tin-tuc/nguoi-cao-tuoi/nguyen-tac-dung-thuoc-cho-nguoi-cao-tuoi/666.aspx